Nhắc tới đặc sản về cây trái của Hưng Yên chắc chắn ta nghĩ tới ngay loại trái cây nổi tiếng số một của họ là nhãn lồng. Nhãn lồng Hưng Yên được sinh ra trong một miền quê yên bình, đất đai màu mỡ phì nhiêu. Tuy nghèo nàn về thiên nhiên khoáng sản ( là tỉnh đặc biệt duy nhất không có núi hoặc biển ). Nhưng bù lại thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này một loại quả mà sự hấp dẫn của nó khó có thể cưỡng lại được. Nó đã trở thành vũ khí siêu hạng giúp các chàng trai cưa đổ người yêu:
Sở dĩ có tên gọi là nhãn lồng bởi khi hoa nhãn mới nhú quả, người trồng nhãn đã đan giỏ tre để che chắn, bảo vệ nhãn khi thành chùm, chín ngọt khỏi bị chuột, chim ăn. Trước kia, nhãn lồng phố chỉ tiến vua, cây cũng chỉ được trồng khoanh vùng song nay đã được trồng khắp nơi, dọc hai bên đường phố, trường học, cơ quan, lối xóm, ruộng vườn ở 12 xã phường của thị xã Hưng Yên.
Cây nhãn cống hiến cho đời từ lá, cành, hoa, quả. Quanh năm xum xuê bóng mát. Gỗ nhãn rắn chắc, đỏ hồng, làm được nhiều đồ dùng. Thân nhãn đốt đượm, có thể dùng sắc thuốc bắc tốt vì không độc hại tỏa ra mùi thơm hấp dẫn. Nhãn ra hoa đúng vào xuân, hoa bé tí xíu kết chùm trắng ngà trên những tán lá dày xanh thẫm. Khi ra quả sai chi chít mỗi chùm hàng chục đến cả trăm quả. Quả chín vào tháng sáu âm lịch cuối mùa hạ, cùi trong như hổ phách, hạt nhỏ, nước ngọt và thơm.
Quả nhãn lồng phố Hiến, mỗi quả to bằng ngón chân cái, cùi dày cắn ngập răng. Sau khi bóc vỏ, dùng một con dao nhỏ nhọn đầu chích vào quả tẽ lấy hạt. Nhiều người vui miệng nói: Nhãn lồng bổ phập dao phay. Như đã biết con dao phay là con dao to bản dài 40cm, rộng 10 - 15 cm chuyên để chẻ cùi, vậy mà bổ vào quả nhãn nằm lọt trong đó, câu nói thật ngoa dụ song nó cũng xuất phát từ mong ước của những người trồng cố gắng để quả nhãn ngày càng to và ngon hơn.
Người Hưng Yên gắn bó với cây nhãn như máu thịt, ngoài vườn mỗi nhà phải có ít nhất một cây nhãn. Phòng tân hôn của đôi vợ chồng trẻ được mẹ cô dâu có cô con gái lấy chồng xa chuẩn bị từ trước thường có mười trái nhãn quả tươi, hoặc long nhãn. Với ngụ ý chúc cho đôi vợ chồng mới cưới được giàu sang phú quý và luôn nhớ về quê cha đất tổ.
Những cô gái xinh đẹp nơi đây may mắn lấy được chồng quyền quý, cao sang. Ngày đầu về nhà chồng, các nàng dâu thường trổ tài làm món chè sen long nhãn lấy lòng mẹ chồng. Và cũng rất tinh tế lấy lòng bố chồng bằng loại rượu long nhãn có hương vị thơm ngon đậm đà của quê hương, của tình người. Thật đúng là một sản vật quý!
Hằng năm đến mùa nhãn nhiều người con Hưng Yên dù xa hay gần lại về thăm cây nhãn tiến vua xưa, hay còn gọi là cây nhãn tổ, với tâm trạng tôn kính của người hành hương về đất tổ.
Nguồn: internet
0 comments:
Post a Comment